LÝ DO TRẺ THƯỜNG BIẾNG ĂN VÀO MÙA NÓNG.

Nắng nóng khiến trẻ mất nước, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc, rối loạn tiêu hóa, làm giảm cảm giác thèm ăn.

Vào mùa nắng nóng, trẻ thường biếng ăn hơn, nhất là trẻ nhỏ 1-6 tuổi. Bé thường quấy khóc khi đến bữa ăn, chạy trốn hoặc có phản ứng nôn ọe khi thấy thức ăn; ăn ít hơn 1/2 khẩu phần theo độ tuổi; ngậm đồ ăn trong miệng không chịu nuốt. Thời gian ăn uống của bé cũng kéo dài hơn 30 phút trong một bữa.

Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể trẻ tiết nhiều mồ hôi để làm mát, gây mất nước và chất điện giải, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn. Vùng dưới đồi trong não bộ có chức năng điều hòa thân nhiệt, điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát cảm giác thèm ăn. Quá trình tiêu hóa sinh nhiều nhiệt lượng nên để giảm gánh nặng công việc, vùng dưới đồi ngăn cản thèm ăn. Vào mùa hè, trẻ thường khát nước nhiều hơn đói.

Thời tiết nóng khiến trẻ khó chịu, khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, gây mệt mỏi. Cơ thể không thể gửi tín hiệu đói thích hợp đến não, làm gián đoạn thèm ăn và quá trình trao đổi chất.

Lưu ý khi lựa chọn sản phẩm hỗ trợ trẻ biếng ăn

Nắng nóng, trẻ có xu hướng ăn uống đồ lạnh. Thói quen này có thể gây khó tiêu, tiêu chảy, nhất là sau bữa ăn nhiều dầu mỡ. Cơ thể mệt mỏi, chán ăn làm cho bé ăn uống thất thường, bỏ bữa hoặc ưu tiên lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và dầu mỡ nhưng ít rau xanh, hoa quả. Mất cân bằng dinh dưỡng khiến sức khỏe trẻ giảm sút, dễ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, từ đó biếng ăn hơn.

Tình trạng biếng ăn kéo dài gây rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, giảm mật độ xương, mất cân bằng hormone, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Bé tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, chậm phát triển trí tuệ so với các bạn cùng tuổi.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thay đổi do nhiệt độ cơ thể tăng lên trong hè. Phụ huynh nên chú ý lựa chọn thực phẩm, cách chế biến món ăn phù hợp, bé cần uống đủ nước.

Cha mẹ nên chế biến thức ăn lỏng như cháo, súp, rau củ xay nhuyễn giúp làm mát miệng, giải nhiệt, dễ tiêu hóa. Ưu tiên thực phẩm giàu kẽm, lysine, taurine và các loại vitamin cần thiết để kích thích cảm giác ngon miệng. Những dưỡng chất này thường có trong thịt, cá, gan, trứng, đậu, đỗ, rau xanh, quả tươi và ngũ cốc.

Chia nhỏ bữa, thiết kế bữa ăn với thực đơn đa dạng, phù hợp theo độ tuổi. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều hay quá ít. Phụ huynh nên đổi món thường xuyên cho con, bày trí bắt mắt, sử dụng nhiều màu sắc để kích thích vị giác. Cần thay đổi thức ăn từ từ, xen kẽ giữa thức ăn mới và cũ mà con thích để làm quen.

Không nên cho trẻ ăn quá mặn hoặc quá ngọt. Thói quen này khiến trẻ thèm uống nước, từ đó biếng ăn bữa chính. Giờ ăn nên cố định, khoa học, tránh cho trẻ ăn nhiều quà vặt, bánh kẹo trước bữa ăn. Hạn chế tối đa cho trẻ xem tivi, điện thoại, chơi điện tử… trong khi ăn.

Thời tiết nắng nóng, phụ huynh vệ sinh và bảo quản thực phẩm đúng cách. Bé nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn bày bán ngoài đường phố, vỉa hè… để tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Phụ huynh không nên cho con uống nước trước bữa ăn 30 phút để tránh cảm giác no, uống từng ngụm nhỏ trong ngày, thay vì uống nhiều nước cùng một lúc. Tránh đồ uống có ga, nước ngọt do chúng có thể khiến bé bị đầy hơi, chướng bụng, giảm cảm giác thèm ăn.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không cần uống thêm nước lọc, sữa mẹ và sữa công thức đã cung cấp đủ lượng nước cần thiết. Bổ sung nước trong giai đoạn này có thể cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Cha mẹ cũng cần quan sát số lần tiểu tiện của trẻ. Nếu trẻ không đi tiểu liên tục trong 4-6 giờ nghĩa là có nguy cơ mất nước.

Sau 6 tháng tuổi, bé có thể uống thêm nước lọc, nước ép trái cây, hoa quả tươi, nước rau luộc. Các loại trái cây theo mùa như dưa hấu, dưa lưới là nguồn cung cấp nước tự nhiên. Nước dừa có đặc tính làm mát tự nhiên, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bé và ngăn ngừa mệt mỏi do nhiệt. Nếu cơ thể thiếu nước, trẻ thường đi tiểu ít hơn 6 lần mỗi ngày, sau hai tuổi trở đi có dấu hiệu môi khô, khóc không có nước mắt hoặc nước mắt ít…

Bổ sung probiotics từ sữa chua trong chế độ ăn hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa. Đây cũng là cách giúp cơ thể tổng hợp vitamin nhóm B, kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.

Để tăng cảm giác thèm ăn tự nhiên, phụ huynh nên khuyến khích trẻ vận động, chạy nhảy nhiều nhằm tiêu hao năng lượng. Vận động thể chất thường xuyên, kết hợp vệ sinh cơ thể sạch sẽ cũng giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Ngủ đúng giờ, đủ giờ hỗ trợ phát triển chiều cao tối ưu, các cơ quan trong cơ thể làm việc hiệu quả. Quá trình trao đổi chất tốt cải thiện sự hứng thú của bé khi ăn uống.

Leave Comments

0332171796
0332171796