Liệt dây thần kinh số VII là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền. Vậy nguyên nhân của bệnh do đâu, có nguy hiểm không?
1. Liệt dây thần kinh số VII là bệnh gì?
Dây thần kinh số VII là 1 trong 12 đôi dây thần kinh sọ não, chi phối vận động, cảm giác cho nửa cơ mặt cùng bên. Liệt dây thần kinh số VII có 2 loại: Liệt dây TK số VII ngoại biên và Liệt dây TK số VII trung ương.
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là tình trạng mất, giảm vận động, cảm giác hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt.
Liệt dây thần kinh số VII trung ương là tình trạng mất vận động ¼ dưới của một nửa mặt thường là tổn thương liên quan đến não và thường kèm theo tổn thương thần kinh khu trú khác.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Theo Y học hiện đại có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên:
– Do lạnh: (chiếm 80%) thường xảy ra vào ban đêm hay khi bệnh nhân nhiễm lạnh.
– Do viêm nhiễm: sau khi bị zona thần kinh; viêm tại xương chũm…
– Do tổn thương nền sọ: chấn thương vỡ xương…
– Do khối u: u góc cầu tiểu não, u tai xương chũm…
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh gồm:
– Do ngoại nhân: do phong hàn, phong nhiệt tà.
– Do bất nội ngoại nhân: do các sang chấn ở đầu mặt gây ứ huyết ở kinh lạc.
3. Biểu hiện khi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên như thế nào?
Biểu hiện thường thấy ở người bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là đột ngột thấy xuất hiện các biểu hiện ở nửa bên mặt: tê bì nửa mặt, mắt nhắm không kín, nói khó, ăn uống rơi vãi vào 1 bên mép miệng, bệnh nhân không huýt sáo, thổi lửa được…
Hầu hết các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 sẽ có các biểu hiện: Tuyến lệ hoạt động không tốt, mí bị sụp, khô mắt, không thể nháy hoặc nhắm mắt; Miệng bên liệt khó mỉm cười, khó hoặc không thể khép lại, chảy dãi.
Một số người có mặt bị xệ xuống hoặc hơi cứng bất thường, méo miệng lệch về một bên; Khóe miệng, vùng trán bị dị cảm; Bị đau quanh góc hàm, xương chũm, thái dương, tai; Vị giác bị thay đổi; Nhạy cảm hơn với âm thanh.
Có trường hợp rối loạn lời nói hoặc khả năng nhai nuốt. Ở bên mặt bị liệt dễ bị đọng thức ăn, uống nước hay bị trào ra. Một bên mặt có cảm giác bị tê và yếu cơ hẳn đi.
Nếu bị liệt dây thần kinh số 7 sau đợt nhiễm trùng zoster hay herpes simplex có thể gây ra những cơn đau dữ dội, nổi mụn nước ở lưỡi hoặc vòm miệng.
4. Chẩn đoán liệt dây thần kinh số VII ngoại biên như thế nào?
Để chẩn đoán liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sỹ chuyên khoa.
Dựa trên các dấu hiệu lâm sàng của người bệnh, bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về trường hợp liệt mặt của người bệnh, quá trình khởi phát, các biểu hiện kèm theo để xác định vị trí tổn thương và tìm nguyên nhân gây bệnh.
Chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng:
– Mắt nhắm không kín: dấu hiệu Charles – Bell
– Miệng méo, mép bên liệt bị hạ thấp so với bên kia, uống nước, xúc miệng nước sẽ chảy ra 1 bên mép miệng hoặc khi ăn thức ăn sẽ mắc vào má bên liệt, bệnh nhân không huýt sáo, thổi lửa được.
– Nếp nhăn trán, rãnh mũi má bên bị bệnh sẽ mờ hơn bên lành.
Để tìm nguyên nhân gây bệnh các bác sỹ cần cho người bệnh khám thêm:
– Khám tai: Tìm các nốt phỏng vùng cửa tai, chảy tai và tình trạng màng nhĩ cho phép hướng đến các nguyên nhân do zona, do viêm tai…
– Khám họng và cổ: Sờ cổ mặt và khám họng để loại trừ khối u tuyến mang tai.
– Khám thần kinh: Tìm các tổn thương dây thần kinh sọ phối hợp khác.
– Chụp cộng hưởng từ sọ não để xác định tổn thương tại sọ não (khối u, chấn thương…).
– Ghi chẩn đoán điện: ghi dẫn truyền vận động dây thần kinh số VII.
– Các xét nghiệm khác: Công thức máu, Đường máu, Máu lắng, Sinh hóa…
5. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có nguy hiểm không?
Bệnh liệt dây thần kinh số VII là bệnh không lây truyền, có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách, cũng có thể gây ra các di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời như:
– Các biến chứng mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính…
– Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
– Hội chứng nước mắt cá sấu: hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.
6. Ai có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên?
Những người có nguy cơ cao bị bệnh liệt dây thần kinh số 7 là: Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu, phụ nữ có thai, người thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya, người hay uống rượu bia, người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp, người hay phải đi sớm về khuya…
7. Cách phòng tránh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Để phòng tránh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, các bác sĩ khuyến cáo, việc làm quan trọng nhất là giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, không tắm quá khuya. Trẻ nhỏ ra ngoài trời cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
Người lớn lưu ý tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm; đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
Ngoài ra, cần thực hiện:
- Chăm sóc sức khỏe tổng thể: bảo vệ sức khỏe bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì một phong cách sống lành mạnh.
- Điều trị các bệnh liên quan: liệt dây thần kinh số 7 có thể xuất hiện do một số bệnh như viêm tai giữa; viêm mũi họng; thủy đậu và zona; vì vậy điều trị các bệnh này kịp thời cũng là cách phòng ngừa tốt nhất.
- Tránh các tác nhân kích thích: tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng; thuốc lá; rượu và các chất kích thích khác.
- Thực hiện tập luyện cơ mặt: thực hiện các bài tập cơ mặt đơn giản có thể giúp tăng cường cơ bắp; kiểm soát cơ mặt và phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7.
- Đeo kính bảo vệ mắt: đeo kính bảo vệ mắt khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích hoặc trong các công việc đòi hỏi sự tập trung cao.
Những biện pháp này không chỉ giúp phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 mà còn giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể của cơ thể.