
Nước là nguồn cung cấp sự sống cho cơ thể. Nếu thiếu nước, các cơ quan thiết yếu trong cơ thể sẽ không thể hoạt động như bình thường và có thể dẫn đến những hệ lụy xấu cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu nếu bị thiếu nước sẽ có tác hại gì qua bài viết dưới đây nhé.
1. Các tác hại khi cơ thể thiếu nước
1.1. Mệt mỏi, thiếu năng lượng
Nước là nguồn cung cấp giúp cho tâm trí luôn tỉnh táo và cơ thể cân bằng. Khi bị mất nước, mức năng lượng trong cơ thể giảm mạnh, não sương mù và trở nên thiếu tập trung.
Một nghiên cứu năm 2012 nhận thấy những người phụ nữ khỏe mạnh bị thiếu nước trong 24 giờ xuất hiện các tác động như giảm sự tỉnh táo, tăng buồn ngủ, mệt mỏi và lú lẫn.
1.2. Giảm hoạt động thể chất
Một nghiên cứu năm 2008 phát hiện ra rằng mất nước 2,9% khối lượng cơ thể làm giảm khả năng tạo ra sức mạnh ở phần thân trên và thân dưới. Dựa trên phát hiện này, các huấn luyện viên và vận động viên được khuyến khích để ý đến tình trạng mất nước để tránh làm tăng nguy cơ chấn thương cơ xương.
Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2021 cũng cho rằng việc không bổ sung đủ nước trong quá trình hoạt động thể chất có thể làm giảm sức mạnh, sức bền và hiệu suất tập luyện.
Do đó, bạn phải uống đủ nước trước, trong và cả sau khi tập luyện thể chất để bổ sung lượng nước cũng như điện giải đã mất, đặc biệt là khi tập thể dục cường độ cao hoặc ở trong môi trường nhiệt độ khắc nghiệt.
1.3. Tăng nguy cơ đột quỵ
Theo một nghiên cứu năm 2020 cho thấy tình trạng mất nước có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và kéo dài thời gian phục hồi nếu bạn đã từng bị đột quỵ.
1.4. Làm chậm quá trình trao đổi chất
Nước đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cơ thể, từ việc điều hòa thân nhiệt, vận chuyển chất dinh dưỡng đến đào thải độc tố. Khi cơ thể bị mất nước, các chức năng này sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến:
- Chậm trao đổi chất: Nước là môi trường cho các phản ứng hóa học trong cơ thể diễn ra. Thiếu nước sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể khó tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng.
- Giảm năng lượng: Nước giúp vận chuyển oxy đến các tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thiếu nước sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, giảm năng lượng và hiệu quả hoạt động.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống khoảng 500ml nước có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất lên đến 30%.
1.5. Gây tăng cân
Bổ sung nước giúp no bụng và hạn chế cảm giác đói giữa các bữa ăn. Theo một đánh giá năm 2019, uống nước có thể hỗ trợ giảm cân, đặc biệt nếu thay thế đồ uống có calo hoặc đường bằng nước.
Vì thế, thiếu nước có thể gây tăng cân và nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính hơn như tiểu đường, bệnh tim,…
1.6. Gây đau đầu
Nghiên cứu năm 2021 cho rằng tình trạng thiếu nước trong cơ thể có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch màng cứng theo học thuyết Monro-Kelli và gây ra đau đầu. Không chỉ vậy, tình trạng mất nước cũng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn đau đầu nguyên phát hoặc các tình trạng khác phụ thuộc vào cân bằng chất lỏng.
Hơn nữa, nghiên cứu tương tự cho thấy tiêu thụ khoảng 2 cốc nước đã làm giảm cơn đau đầu trong vòng nửa giờ và một số người cảm thấy giảm đau hoàn toàn khoảng 1 – 3 giờ sau khi uống 3 cốc nước.
1.7. Ảnh hưởng đến chức năng thận
Nước là một thành phần thiết yếu giúp thận loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước, chất thải cùng với axit có thể tích tụ trong cơ thể và dẫn đến sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Uống nhiều nước có thể làm tăng lượng nước tiểu đi qua thận, làm loãng nồng độ kháng chất, giảm khả năng kết tinh và tạo sỏi. Từ đó giúp ngăn ngừa sự hình thành cũng như giảm nguy cơ tái phát ở những người đã từng bị sỏi thận.
Hơn nữa, mất nước có thể gây ra tình trạng mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Khi thận không thể duy trì sự cân bằng nồng độ các chất điện giải có thể gây suy thận, nguy hiểm đến tính mạng.
Cơ thể thiếu nước gây tích tụ chất thải và ảnh hưởng đến chức năng thận
1.8. Gây táo bón
Nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe đường tiêu hóa. Khi cơ thể đủ nước, nước sẽ được chuyển từ máu vào ruột, giúp làm mềm phân và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy nước khoáng giàu magie và natri có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn và mềm hơn.
Tuy nhiên, khi cơ thể bị thiếu nước, quá trình tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng. Thiếu nước khiến phân cứng, khó di chuyển, dẫn đến táo bón.
Cơ thể mất nước thường xuất hiện tình trạng tiêu hóa chậm và có thể bị táo bón
1.9. Ảnh hưởng đến sức khỏe của khớp
Sụn trong các khớp và đĩa đệm của cột sống chứa khoảng 80% nước. Khi cơ thể xuất hiện tình trạng mất nước trong thời gian dài, khả năng hấp thụ của khớp giảm. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của khớp và dẫn đến đau khớp.
Cơ thể mất nước trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe của khớp
1.10. Suy giảm chức năng não
Bộ não được tạo thành từ 73% là nước. Do đó, chỉ một tình trạng thiếu nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ và khả năng tập trung.
Trường hợp mất nước nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng như lú lẫn và mê sảng.
1.11. Gây lão hóa da
Khi bị mất nước, da của bạn dễ bị tổn thương và khô hơn. Nếu tình trạng kéo dài sẽ khiến da mất đi độ săn chắc, đàn hồi và dễ bị tác động bởi môi trường, đẩy nhanh quá trình lão hóa da.
2. Dấu hiệu cơ thể uống không đủ nước
Nếu bạn không uống đủ nước, cơ thể sẽ dần mất mất nước và xuất hiện những dấu hiệu sau đây:
- Đau đầu, mệt mỏi.
- Chóng mặt.
- Khô miệng.
- Da khô.
- Khát nước cực độ.
- Nhịp tim nhanh.
- Chuột rút.
- Nước tiểu sẫm màu hơn bình thường.
3. Lưu ý khi bổ sung nước cho cơ thể
Để phòng ngừa cơ thể mất nước một cách hiệu quả, bạn nên bổ sung nước theo các lưu ý sau:
- Tránh đợi đến khi khát mới uống nước. Hãy nhấp từng ngụm nước đều đặn trong ngày. Uống nhiều hơn bình thường khi thời tiết nóng, đặc biệt là khi hoạt động nhiều.
- Có thể thêm hương vị cho nước uống bằng trái cây tươi hoặc một ít nước ép trái cây. Tuy nhiên, nên hạn chế caffeine và rượu.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả có hàm lượng nước và dinh dưỡng cao như dưa hấu; dâu tây; dưa lưới; đào; dứa; dưa chuột; rau lá xanh,…
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều khi trời quá nóng. Thay vào đó, hãy cân nhắc tập thể dục trong nhà, bơi lội,…
- Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, màu sáng để tránh hấp thụ nhiệt. Đội mũ rộng vành khi ra nắng và sử dụng nhiều kem chống nắng để tránh bị cháy nắng.
- Tinh ý để nhận biết các dấu hiệu thiếu nước, đặc biệt ở một số đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em và người lớn tuổi.