Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm có thể gây thành dịch vào mùa mưa do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.
1. Trường hợp mắc sốt xuất huyết nào có thể điều trị ngoại trú?
Thể bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú, với các triệu chứng như sau:
– Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 3 ngày.
– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
– Đau cơ, đau khớp, nhức hốc mắt.
– Biểu hiện xuất huyết: xuất huyết dưới da.
2. Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại nhà nên làm như thế nào?
– Uống thuốc hạ sốt PARACETAMOL ngày 3-4 lần cách nhau mỗi 6h khi nhiệt độ ≥ 38 độ C, lau mát bằng nước ấm.
– Uống nhiều nước để nguội, có thể uống lạnh hay với đá: nước cam, chanh, nước suối, nước lọc, Oresol, nước dừa, sữa…
– Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, để nguội như: cháo, súp…
– Không ăn, uống những thức ăn có: màu đỏ, đen như cafe, cacao, cháo huyết, bún riêu…để dễ theo dõi tình trạng xuất huyết tiêu hóa (xuất huyết dạ dày)…
– Hạn chế truyền dịch, khi cần nhập viện để các bác sĩ theo dõi và truyền dịch theo đúng chỉ định.
3. Trường hợp sốt xuất huyết nào phải nhập viện ngay?
Thể bệnh nặng cần nhập viện ngay, với một số triệu chứng như sau:
– Lừ đừ, mệt mỏi, vã mồ hôi.
– Đau bụng: đau vùng thượng vị, hạ sườn phải.
– Nôn ói: nôn nhiều sau ăn, uống nước, hoặc nôn khan.
– Chảy máu chân răng, chảy máu mũi.
– Nôn ra máu.
– Đi cầu phân đen.
Do đó, người dân không nên chủ quan khi gặp các biểu hiện trên, cần phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị. Tránh tình trạng đưa bệnh nhân nhập viện trễ khiến bệnh diễn tiến nặng và gây tử vong.