
Ngộ độc thực phẩm là bệnh lý tiêu hóa thường gặp gây ra tình trạng đau bụng; tiêu chảy cho người bệnh. Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm qua bài viết dưới đây nhé!
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng hệ tiêu hóa phản ứng lại khi bạn ăn hoặc uống những thực phẩm bị ôi thiu; có chứa chất ô nhiễm. Người bệnh ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy liên tục.
Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện sau từ khi ăn vài giờ đến vài ngày tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết mọi người đều bị bệnh nhẹ và khỏi bệnh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu ngộ độc thực phẩm nặng có thể gây tổn thương đường tiêu hóa;, mất nước hoặc nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.
1. Nguyên nhân gây ngộ độc
Nguyên nhân chủ yếu là các loại vi sinh vật gây bệnh đường tiêu hóa bám trên bề mặt thức ăn và nước uống. Một số tác nhân thường gặp của bệnh gồm:
- Vi khuẩn: hay gặp nhất là E.Coli, Salmonella hoặc Shigella gây rối loạn tiêu hóa, bệnh kiết lỵ và thương hàn.
- Virus: rotavirus là căn nguyên thường gặp dẫn đến viêm dạ dày ruột, tiêu chảy ở trẻ em.
- Các độc tố trong thức ăn hoặc vi khuẩn có chứa độc tố: như vi khuẩn Clostridium perfringens thường có trong thịt sống hoặc thực phẩm lên men.
- Nấm và ký sinh đường tiêu hóa: có trong nước lã hoặc thực phẩm quá hạn sử dụng.
2. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là bệnh lý thường gặp với nhiều triệu chứng của rối loạn tiêu hóa khác nhau. Một số dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh gồm:
Đau bụng và chuột rút
Người bệnh có thể bị đau bụng thành từng cơn, kéo dài trong vài giờ. Nguyên nhân thường do chất độc gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột gây viêm nhiễm, co thắt đường ruột.
Ngoài ra, một số trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể kèm theo biểu hiện chuột rút. Thường gặp nhất ở vùng cơ xung quanh phần ngực hoặc vị trí bụng dưới, cạnh xương chậu.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là một triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Thường gặp khi độc tố và vi sinh vật gây viêm ruột; tăng tiết dịch làm giảm tái hấp thu nước và các chất lỏng khác.
Tiêu chảy cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác như mót rặn, đầy hơi hoặc đau quặn bụng. Điều này sẽ khiến bạn bị mất nhiều chất lỏng hơn bình thường khi bị tiêu chảy dẫn đến tăng nguy cơ bị mất nước.
Buồn nôn và nôn
Nôn mửa là phản ứng bình thường của cơ thể nhằm loại bỏ các chất độc hại ra khỏi đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bạn bị nôn liên tục mà không được bổ sung đủ nước và thức ăn sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt lả rất nguy hiểm.
Đau đầu
Ngộ độc thức ăn có nôn mửa, tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải. Điều này làm giảm lượng máu và oxy cung cấp cho tế bào não khiến người bệnh bị đau đầu hoặc thậm chí giảm tri giác.
Sốt
Khi các tác nhân có hại xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ gây ra hoạt động của các tế bào bạch cầu, đại thực bào. Quá trình này sẽ làm tăng thân nhiệt để chống lại viêm nhiễm.
Người bệnh có thể sốt nhẹ từ 37.5 đến 38.5 độ C. Sốt có thể xuất hiện sau đau bụng và kéo dài trong vài ngày cho đến khi vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm bị tiêu diệt.
Mệt mỏi
Cơ thể bạn thường mệt mỏi và chán ăn như một cách bảo vệ cơ thể khỏi những mầm bệnh. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể gây ra thiếu dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng và kéo dài thời gian bị bệnh.
Mất nước
Hiện tượng tiêu chảy với phân lỏng liên tục kèm theo nôn mửa ra hết thức ăn, nước uống có thể khiến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Khi đó, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như:
- Đắng miệng, giảm tiết nước bọt.
- Da khô ráp.
- Khô mắt, không có nước mắt.
- Liên tục cảm thấy khát.
- Số lượng nước tiểu giảm.
3. Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
Bạn nên thực hiện các biện pháp nhằm tránh bệnh trở nên trầm trọng hơn như:
- Ngừng ăn những thực phẩm nghi ngờ bị nhiễm khuẩn hoặc ôi thiu, quá hạn.
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế làm việc quá sức khi đang có tiêu chảy, nôn mửa.
- Không ăn bất cứ thực ăn nào chưa được nấu chín.
- Đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ sớm để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị và theo dõi tùy theo mức độ ngộ độc thực phẩm.
4. Khi nào thì cần liên hệ y tế
Dấu hiệu cho thấy cần liên hệ y tế
Ngộ độc thực phẩm có thể được theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện sớm nếu có những dấu hiệu nặng như:
- Tiêu chảy, nôn trớ nhiều ở trẻ nhỏ hoặc người trên 60 tuổi.
- Các triệu chứng đau bụng, đi ngoài nặng hơn sau vài ngày điều trị.
- Đại tiện ra phân nhầy máu hoặc lỏng như nước vo gạo.
- Không thể ăn uống bất cứ thức ăn nào.
- Dấu hiệu mất nước rõ, da khô, nước tiểu ít màu vàng đậm hoặc không có nước tiểu.