
Một chiếc bụng khỏe mạnh sẽ giúp bạn “ăn được cả thế giới” cùng bạn bè và gia đình trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và mùng 1 tháng 5 này. Hãy cùng tìm hiểu các mẹo chữa khó tiêu, chướng bụng nếu bạn lỡ mắc phải trong những ngày lễ tới nhé!
1. Đầy bụng khó tiêu là gì ?
Đầy bụng khó tiêu là triệu chứng rối loạn tiêu hóa rất hay gặp. Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên và cảm giác no, đầy bụng, chán ăn.
2. Nguyên nhân
Tiến sĩ Jolson Tharakan, bác sĩ y học gia đình của Hiệp hội chăm sóc sức khỏe Texas cho biết “chứng khó tiêu thường do mất cân bằng axit dạ dày, có thể thiếu axit hoặc thừa axit”.
Chẳng hạn như ăn các loại đồ ăn cay, chua hoặc dùng các loại thức uống kích thích hệ tiêu hóa như rượu, bia, cà phê,… thậm chí nhiễm số lượng lớn vi khuẩn Helicobacter pylori trong dịp lễ này cũng có thể dẫn đến chứng khó tiêu.
3. Biểu hiện khi bị đầy bụng khó tiêu
- Cảm thấy no sớm trong bữa ăn.
- Đầy bụng, khó chịu sau bữa ăn.
- Nóng rát vùng bụng trên.
- Đầy hơi vùng bụng trên, cảm thấy căng tức khó chịu vùng bụng trên.
- Buồn nôn, ợ chua.
4. Mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà
Dùng thuốc kháng axit không kê đơn
Đây là phương pháp trị liệu được sử dụng rộng rãi nhất. Thuốc kháng axit có tác dụng làm tăng độ pH dạ dày và giảm lượng axit. Trào ngược axit dạ dày, đầy hơi, chướng bụng và ợ nóng thường đáp ứng tốt với thuốc kháng axit.
Dùng baking soda
Baking soda có pH cao nên có thể trung hòa axit dạ dày. Cách dùng tại nhà: hòa tan 1/4 muỗng canh baking soda trong một cốc nước ấm rồi uống. Không nên dùng quá nhiều vì sẽ gây ra tác dụng phụ.
Dùng trà hoa cúc hoặc bạc hà
Bạc hà là một phương thuốc tự nhiên hiệu quả để nhuận mật giúp trợ tiêu hóa. Hoa cúc cũng có thể giúp giảm chứng đầy bụng, khó tiêu vì nó làm giảm viêm và co thắt một cách tự nhiên, cũng vì đặc tính này mà hoa cúc có thể giúp giảm đau dạ dày.
Dùng rễ cam thảo
Rễ cam thảo có chứa các hợp chất giúp giảm viêm trong đường tiêu hóa của bạn. Bạn có thể nhai rễ cam thảo hoặc thêm vào nước nóng để pha trà. Nhưng hãy cẩn thận đừng dùng quá nhiều vì có thể gây mất cân bằng điện giải, nên dùng 2,5 gam hoặc ít hơn mỗi ngày.
Dùng hạt thì là
Nhai hạt thì là hoặc uống trà thì là có thể giúp làm dịu cơn co thắt dạ dày, đầy hơi và buồn nôn do khó tiêu.
Loại thảo dược này có thể làm giảm co thắt dạ dày và giúp cải thiện tình trạng chậm làm rỗng dạ dày vốn ảnh hưởng đến nhiều người mắc chứng khó tiêu.
Thêm gừng vào chế độ ăn uống
Gừng có chứa các hợp chất giúp tăng tốc độ co bóp dạ dày, giúp tiêu hóa thức ăn và giảm buồn nôn. Để giảm đau nhanh chóng, có thể uống trà gừng hoặc thêm gừng vào thức ăn nhạt như cơm trắng.
Dùng giấm táo
Giấm táo có tính axit tự nhiên nên nó có thể giúp kích thích cơ thể bạn sản xuất và bài tiết axit dạ dày. Ngoài ra, enzym trong giấm táo còn giúp tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn.
Cách dùng:
- Lấy một đến hai thìa cà phê giấm táo, pha với nước.
- Uống trước hoặc ngay sau bữa ăn.
- Không uống quá 2 lần/ngày.
Dùng nha đam
Nha đam chứa hợp chất anthraglycosid có tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận tràng ở liều thấp nhưng nếu bạn lạm dụng ở liều cao sẽ dẫn tới tình trạng tiêu chảy. Vì vậy chúng ta cần phải chú ý không được sử dụng nha đam quá nhiều.
Nâng cao phần thân trên khi ngủ
Khi bạn nằm xuống, axit trong dạ dày có nhiều khả năng di chuyển ngược trở lại cổ họng của bạn, và có thể gây ra chứng ợ nóng nghiêm trọng. Để tránh sự khó chịu đó, hãy sử dụng một vài chiếc gối để nâng đỡ phần trên ngực, cổ và đầu của bạn. Tốt nhất là tránh nằm xuống khi vừa ăn no.
Chườm ấm hoặc tắm nước ấm
Sử dụng túi chườm, khăn nóng áp vào vùng bụng, tập trung ở vị trí quanh rốn và để trong 5 – 10 phút, sẽ giúp hệ tiêu hóa sẽ tăng cường hoạt động, thúc đẩy giảm đầy bụng, khó tiêu. Sau hiện tượng trung tiện nhiều lần, bạn sẽ không còn cảm thấy khó chịu bởi chứng đầy bụng, khó tiêu nữa.
Lưu ý là khi áp khăn nóng, túi sưởi lên vùng bụng để tránh làm nóng/bỏng da, bạn nên đặt một lớp khăn mỏng lên bụng hoặc đặt khăn nóng, túi sưởi lên bụng qua lớp quần áo, không đặt thẳng lên vùng bụng trần.
5. Lưu ý khi chữa đầy bụng khó tiêu
- Tránh thực phẩm gây khó tiêu.
- Ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ba bữa lớn.
- Giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng rượu và cafein.
- Tránh một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và naproxen natri (Aleve).
- Tìm giải pháp thay thế cho các loại thuốc gây khó tiêu.
- Kiểm soát căng thẳng và lo lắng.