Chỉ số đường huyết thay đổi, vượt ngoài mức an toàn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên các cơ quan như mắt, tim mạch, thần kinh,… Vậy chỉ số tiểu đường bao nhiêu là nguy hiểm?
1. Chỉ số đường huyết ở người bình thường bao nhiêu là nguy hiểm?
Với người bình thường, chưa được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, nếu chỉ số đường huyết lúc đói vượt trên 7 mmol/L tức khoảng trên 126 mg/dL, nguy cơ mắc bệnh là khá cao. Kết quả chỉ số đường huyết an toàn dao động từ 4,0 – 5,9 mmol/L (72 – 108 mg/dL).
Vậy đối với người bình thường, chỉ số đường huyết lúc đói tăng cao có thể là báo hiệu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường:
- 6,1 – 7 mmol/L (110 – 126 mg/dL): có thể bạn đang ở giai đoạn tiền tiểu đường. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh tránh để tiến triển thành bệnh tiểu đường.
- Từ 7 mmol/L (126 mg/dL) trở lên: có thể mắc bệnh tiểu đường. Để kết quả chính xác nhất, cần đo hai lần liên tiếp. Nếu lần đo thứ hai chỉ số đường huyết khoảng 6,1 mmol/L (110 mg/dL), bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Khi chỉ số đường huyết của bạn cao hơn bình thường, để xác định chính xác bạn có bị mắc bệnh tiểu đường hay không, bạn cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định.
2. Chỉ số Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?
Dưới đây là bảng so sánh chỉ số đường huyết ở các trường hợp khi bình thường, tiền tiểu đường và tiểu đường:
Xét nghiệm | Bình thường | Tiền tiểu đường | Tiểu đường |
Đường huyết lúc đói | dưới 100 mg/dL | 100 -125 mg/dL | từ 126 mg/dL |
Đường huyết bất kỳ | dưới 140 mg/dL | 140 – 200 mg/dL | từ 200 mg/dL |
Nghiệm pháp dung nạp Glucose | dưới 140 mg/dL | 140 – 200 mg/dL | từ 200 mg/dL |
HbA1c | dưới 5,7% | dưới 6,5% | dưới 7% |
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên khi chỉ số đường huyết của bạn ở mức tiểu đường và có kèm với biểu hiện của tứ chứng kinh điển của bệnh như:
- Ăn nhiều: Glucose máu tăng khiến lượng Glucose trong tế bào giảm nên kích thích trung tâm đói, làm người bệnh luôn trong trạng thái thèm ăn.
- Uống nhiều: lượng đường trong máu tăng cao làm tăng áp lực thẩm thấu ngoại bào và làm cơ thể bệnh nhân tiểu đường luôn cảm thấy khát.
- Tiểu nhiều: do Glucose máu tăng làm tăng áp lực thẩm thấu niệu khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều, nước tiểu đặc hơn bình thường.
- Gầy nhiều: Tế bào không chuyển hóa được năng lượng từ Glucose khiến Protid, Lipid bị thoái hóa nhiều hơn nên bệnh nhân bị sụt cân nhanh, nhiều và gây mệt mỏi, khó chịu.
3. Cảnh báo mức chỉ số đường huyết nguy hiểm ở người bệnh tiểu đường
Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, chỉ số đường huyết không được kiểm soát và vượt ra ngoài vùng nguy hiểm, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
3.1. Nguy hiểm khi chỉ số đường huyết cao hơn bình thường
Chỉ số đường huyết cao vượt mức bình thường xảy ra do người bệnh không được điều trị, không tuân thủ điều trị, liệu pháp điều trị không phù hợp với bệnh nhân, chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe,…
Chỉ số đường huyết được coi là nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường nếu trên 250mg/dL (>13.8 mg/dL). Triệu chứng có thể gặp gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Miệng khô, sụt cân
- Hôn mê, khó thở, rối loạn tinh thần
- Đau nhức người
Nếu chỉ số đường huyết của bạn quá cao và kèm thêm các triệu chứng trên thì cần liên hệ bác sĩ để có cách chữa trị kịp thời. Nếu đường huyết tăng cao trong thời gian dài sẽ gây các tổn thương và biến chứng nghiêm trọng như:
- Tăng huyết áp
- Xơ vữa động mạch gây thiếu máu cục bộ cơ tim, đau thắt ngực
- Mắt bị hẹp mạch nuôi điểm vàng khiến nhìn mờ, giảm thị lực
- Có thể gây suy thận mạn
- Thần kinh bị rối loạn, mất cảm giác
3.2. Nguy hiểm khi chỉ số đường huyết thấp hơn bình thường
Chỉ số đường huyết thấp hơn bình thường có thể xảy ra khi bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc, sau khi vận động mạnh, bệnh nhân nhịn ăn, ăn ít,…
Các trường hợp chỉ số đường huyết thấp gây ra biểu hiện như sau:
Chỉ số đường huyết | Biểu hiện | Xử trí |
71-90 mg/dL | Toàn thân mệt lả, chóng mặt, đau đầu; da xanh tái, vã mồ hôi, cảm giác ớn lạnh, run tay | Ăn bánh, kẹo, uống nước đường,… nghỉ ngơi một lúc và theo dõi tình trạng bệnh. |
51-70 mg/dL | Đau ngực, nhịp tim nhanh, bụng đói cồn cào, buồn nôn, nôn, tiêu chảy | |
50 mg/dL trở xuống | Thần kinh co giật, rối loạn cảm giác, nhìn mờ, nhìn đôi; tâm thần kích động, rối loạn nhân cách, ảo giác; ý thức ly bì, u ám, hôn mê | Nhanh chóng liên hệ và đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. |
Chỉ số đường huyết quá thấp khiến bệnh nhân bị tụt đường huyết gây chóng mặt, buồn nôn,…
4. Hướng dẫn cách xác định chỉ số đường huyết tại nhà chính xác
Để không phải tốn công đến các cơ sở y tế thường xuyên, bạn có thể sử dụng máy đo đường huyết cá nhân để theo dõi nồng độ đường nhanh chóng, tiện dụng.
Hướng dẫn các bước thực hiện bằng máy đo đường huyết cá nhân:
- Rửa tay sạch bằng xà phòng, sát khuẩn đầu ngón tay lấy máu.
- Lấy kim ra và lắp vào đầu ống bút thử.
- Đưa que thử vào máy, kiểm tra code hiện trên máy và que thử phải trùng khớp.
- Xoa nhẹ đầu ngón tay rồi chích máu bằng bút kim.
- Nhanh chóng nhỏ giọt máu đã lấy lên phần que thử trên máy đo đường huyết. Có thể sử dụng bông hoặc băng dán cá nhân để giữ điểm vừa lấy máu.
- Đọc kết quả và ghi lại chỉ số đường huyết được hiển thị trên máy.
Thời điểm đo: Đường huyết có thể dao động lớn trong các thời điểm trước và sau ăn. Ví dụ, chỉ số đường huyết tăng vọt sau khi ăn không phản ánh đúng tình trạng của người bệnh. Do đó, để có chỉ số trung bình chính xác thì bạn cần đo đường huyết đúng thời điểm và theo dõi trong một thời gian.
Các thời điểm đo đường huyết thường dùng:
- Đo đường huyết lúc đói: đo vào buổi sáng trước khi ăn (ít nhất 8 tiếng trước đó không ăn gì).
- Đo đường huyết khi no: đo sau bữa ăn khoảng 1 – 2 tiếng.
Lưu ý khi đo đường huyết mao mạch bằng máy đo cá nhân tại nhà:
- Hỏi ý kiến và tư vấn từ bác sĩ trước khi thực hiện tự kiểm tra và theo dõi đường huyết tại nhà.
- Nên đo đường huyết tại cùng một thời điểm trong ngày và đo định kỳ mỗi ngày, mỗi tuần,… theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ghi lại chính xác kết quả đo để bác sĩ có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị để có những điều chỉnh phù hợp.
- Thay đổi vị trí lấy máu luân phiên ở các đầu ngón tay.
- Không nên lấy máu ở đầu ngón tay bị đau nhức.
- Sau khi đo đường huyết, nên bỏ que thử và kim tiêm, tránh dùng lại do có nguy cơ nhiễm khuẩn, đau khi tiêm bằng kim tiêm sử dụng nhiều lần và kết quả có thể bị sai lệch.