
Tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ) là tình trạng lượng đường trong máu của thai phụ cao. Khoảng 7% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này.
Mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gặp các biến chứng như tăng huyết áp; tiền sản giật, sản giật, sinh khó, phải sinh mổ; phát triển bệnh tiểu đường sau sinh, từ đó tăng nguy cơ bệnh tim mạch về lâu dài. Thai nhi dễ bị sinh non, rối loạn tăng trưởng, thai lưu. Ngoài ra, tiểu đường thai kỳ còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh ở trẻ.
1. Bà bầu mắc bệnh tiểu đường dễ sinh con dị tật?
Đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở khoảng 16% số thai phụ. Bệnh có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con nếu không được phát hiện và xử trí sớm.
Đái tháo đường thai kỳ có thể khiến bà bầu tăng cân quá mức, dễ gây béo phì nên rất khó lấy lại vóc dáng thon gọn sau sinh. Bệnh cũng gây đa ối, tỷ lệ khá cao (từ 27 – 30%). Lượng ối quá nhiều làm tử cung to nhanh dễ làm rối loạn tuần hoàn và hô hấp.
Ngoài ra, đái tháo đường thai kỳ còn làm tăng nguy cơ sảy thai; sinh non; cao huyết áp; tiền sản giật và sản giật gấp 4 lần những thai phụ không bị, nhiễm trùng thường nặng nề hơn, nhất là viêm thận, bể thận.
Thống kê ghi nhận tỷ lệ dị tật thai gia tăng nếu người mẹ bị đái tháo đường từ trước khi có thai mà không được hỗ trợ điều trị đúng cách.
Đứa trẻ sinh ra dễ bị rối loạn tăng trưởng (quá to, hoặc quá nhỏ). Thai có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao, tỷ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2- 5 lần. Bé sơ sinh dễ suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với insulin; hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da nặng và hôn mê, lớn lên dễ béo phì, tiểu đường, cao huyết áp.
Phụ nữ bị đái tháo đường sau sinh cũng dễ bị bệnh mạch máu não như sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não, tổn thương các mao mạch ở võng mạc gây mù mắt, ổn thương vi thể ở cầu thận gây xơ cứng cầu thận và suy thận. Ngoài ra còn tiềm ẩn các biến chứng cấp tính như hôn mê, nhiễm trùng nặng…
2. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi, cần kiểm soát lượng đường trong máu bằng những cách dưới đây.
2.1. Kiểm soát ăn uống:
Chế độ ăn phải đáp ứng hai yêu cầu là duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn, nhưng vẫn cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Thực đơn lý tưởng gồm 10-20% lượng calo đến từ nguồn protein (động vật và thực vật); dưới 30% lượng calo đến từ chất béo chưa bão hòa; ít hơn 10% calo đến từ chất béo bão hòa và 40% calo còn lại là carbohydrate.
2.2. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ:
Nạp lượng calo vừa đủ, nếu có cân nặng trung bình cần khoảng 2.200-2.500 calo một ngày. Trường hợp chị thừa cân, con số này giảm xuống khoảng 1.800 calo một ngày.
2.3. Tập thể dục:
Cơ thể sản xuất và sử dụng insulin hiệu quả hơn khi tập thể dục, từ đó kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Thai phụ thực hiện các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15-30 phút mỗi ngày.
2.4. Kiểm tra lượng đường trong máu:
Thường xuyên kiểm tra, trước và sau bữa ăn 1-2 giờ nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị.