
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn, khi mọi người cùng nhau đón chào năm mới với những buổi tiệc tùng, thăm bạn bè, họ hàng, và tận hưởng những ngày vui trọn vẹn bên gia đình. Tuy nhiên, Tết cũng là thời điểm mà ho, cảm và các bệnh về đường hô hấp gia tăng.
1. Vì sao ho, cảm gia tăng dịp Tết Nguyên Đán?
Thời tiết lạnh tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển
Cuối năm, thời tiết trở lạnh rõ rệt. Không khí lạnh làm giảm khả năng sưởi ấm của niêm mạc mũi – họng; khiến cơ thể dễ bị tổn thương trước các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp và không gian kín tạo điều kiện để vi khuẩn, virus, nấm phát triển mạnh mẽ hơn so với các mùa khác.
Sức đề kháng giảm do thói quen sinh hoạt không điều độ
Trong những ngày Tết, nhiều người ít vận động; ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc ngủ không đủ giấc. Trẻ nhỏ phải di chuyển đường dài hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt đột ngột khiến cơ thể dễ bị suy yếu. Từ đó dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng; viêm phổi; hoặc thậm chí viêm tai giữa.
2. Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh hô hấp trong mùa Tết
Trẻ em: Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ và khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh và các biến chứng do nhiễm lạnh. Việc di chuyển xa trong Tết, đi chơi Tết hoặc theo bố mẹ về quê khiến trẻ phải tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau; tạo cơ hội để virus và vi khuẩn xâm nhập.
Người cao tuổi: Người lớn tuổi thường có hệ miễn dịch suy yếu và dễ mắc các bệnh về hô hấp. Thời tiết lạnh và thay đổi đột ngột làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp; đặc biệt là những người đã có tiền sử bệnh như viêm phổi, hen suyễn, hoặc bệnh phổi mãn tính.
Những người có bệnh nền như mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, hen phế quản, bệnh tim mạch, viêm khớp hay có sức đề kháng yếu dễ bị ảnh hưởng khi trời lạnh và khí hậu thay đổi, tạo cơ hội cho các bệnh hô hấp phát triển.
3. Cách phòng ngừa bệnh dịp Tết Nguyên Đán
Tăng cường sức đề kháng
Dinh dưỡng đầy đủ: Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất, nâng cao sức đề kháng.
Tập thể dục thường xuyên: Duy trì các bài tập nhẹ nhàng, có thể tập trong nhà nếu thời tiết quá lạnh.
Tiêm phòng vắc xin: Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tiêm các loại vắc xin cúm, phế cầu, COVID-19 để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Giữ ấm cơ thể
Khi đưa trẻ ra ngoài chơi Tết, cần đảm bảo giữ ấm cho các vùng quan trọng như đầu, cổ, chân. Với người lớn, nên mặc đủ ấm và tránh tiếp xúc lâu với không khí lạnh.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân
Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng. Đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi mới từ nơi công cộng trở về nhà
Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây lan virus và vi khuẩn cho người khác.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt khi đến nơi đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp với người có triệu chứng mắc bệnh.
4. Những lưu ý đặc biệt
Phòng bệnh khi di chuyển dịp Tết
Cơ thể chúng ta khá nhạy cảm với sự thay đổi môi trường và lịch trình. Khi di chuyển bằng xe máy, ô tô, hoặc máy bay đường dài, cần:
Đảm bảo được nghỉ ngơi đầy đủ.
Mang theo khăn ấm, nước uống để giữ nhiệt.
Tránh vui chơi quá sức trong suốt hành trình.
Chế độ ăn uống: Hạn chế đồ ăn lạnh, thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt để tránh rối loạn tiêu hóa.
Không tự ý dùng kháng sinh
Một sai lầm dễ mắc phải khi điều trị ho là tự ý dùng kháng sinh mà không có chỉ định từ bác sĩ. Điều này không chỉ không có tác dụng mà còn có thể gây hại cho sức khỏe. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Dự trữ thuốc và vật dụng y tế
Vì nhiều phòng khám và nhà thuốc nhỏ lẻ thường đóng cửa trong dịp Tết; gia đình nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc thiết yếu:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau
- Siro hỗ trợ bổ phế, giảm ho; Siro thảo dược hỗ trợ điều trị ho cảm, sổ mũi
- Dung dịch rửa mũi, nước muối
- Thuốc chống dị ứng