Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, xuất phát từ sự thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim do nhiều nguyên nhân gây tổn thương mô cơ tim.
Đây là một bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao, với 25% bệnh nhân chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh, thường trước khi được chuyển đến các cơ sở y tế để cấp cứu.
Nhồi máu cơ tim và đột quỵ tim thường xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước với các dấu hiệu như:
• Hồi hộp, đánh trống ngực
• Cơn đau thắt ngực, khó thở
• Đổ mồ hôi lạnh
• Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói
• Tụt hoặc tăng huyết áp
• Tay chân lạnh, ẩm
• Kích thích, lo lắng, sợ
• Ngất, đột tử
Các biến chứng nghiêm trọng khác như loạn nhịp tim, rung thất, thuyên tắc mạch máu, suy tim, viêm màng ngoài tim cũng đe dọa tính mạng của bệnh nhân, đặc biệt là rung thất có thể gây đột tử, là biến chứng nguy hiểm nhất của nhồi máu cơ tim cấp.
Nhồi máu cơ tim cấp là dạng nặng nhất của thiếu máu cơ tim cục bộ, thường xuất hiện đột ngột và đòi hỏi sự can thiệp khẩn cấp tại bệnh viện.
Hiện nay, việc điều trị nhồi máu cơ tim cấp đang được chú trọng và đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Yếu tố quan trọng nhất trong quá trình điều trị là thời gian, bởi bệnh nhân được phát hiện và nhập viện càng sớm thì triển vọng hồi phục càng cao so với những trường hợp trễ giờ.
Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân chính của nhồi máu cơ tim cấp là sự thiếu hụt máu đến nuôi dưỡng các mô cơ tim. Cũng giống như các cơ quan khác trong cơ thể, cơ tim cần được cung cấp máu để hoạt động và duy trì chức năng. Động mạch vành là đường ống chính cung cấp máu cho cơ tim. Khi có bất kỳ lý do nào làm giảm dòng máu trong động mạch vành đột ngột, kéo dài, tế bào cơ tim sẽ bị thiếu oxy, gây tổn thương và dẫn đến triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp.
Xơ vữa động mạch vành là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Các mảng xơ vữa làm hẹp động mạch, giảm dòng máu nuôi dưỡng cơ tim. Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi các mảng xơ vữa nứt vỡ và di chuyển, tạo thành cục máu đông với nhiều tiểu cầu bám vào, gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch.
Các can thiệp như đặt stent nong mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng có thể gây bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Cục máu đông hình thành tại vị trí đặt stent, gây tắc nghẽn động mạch vành.
Cục máu đông trong động mạch vành cũng có thể phát sinh từ các nguyên nhân khác như viêm nội tâm mạc do nhiễm khuẩn, van tim nhân tạo, u nhầy, huyết khối thành tim hoặc các bệnh lý viêm mạch máu như Takayasu, Kawasaki, và bệnh lý tăng đông.
Ngoài ra, nhồi máu cơ tim cũng có thể do các nguyên nhân không liên quan đến cục máu đông như co thắt động mạch vành, bóc tách động mạch chủ, hoặc dị dạng động mạch bẩm sinh, mặc dù tỷ lệ này thấp và thường khó được xác định.
Phòng tránh nhồi máu cơ tim
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh lý này:
1. Kiểm soát cân nặng
Thừa cân béo phì dẫn đến rất nhiều bệnh lý khác nguy hại cho sức khỏe trong đó có tim mạch nói chung, nhồi máu cơm tim, đột quỵ nói riêng. Vì vậy, cần duy trì cân nặng phù hợp thông qua chế độ ăn uống và vận động thích hợp, tránh béo phì.
2. Duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống của chúng ta tác động rất nhiều đến sự hình thành và diễn tiến của bệnh tim mạch trong đó có nhồi máu cơ tim. Vì vậy, để phòng bệnh cần có lối sống lành mạnh trong đó cần tuân thủ chế độ ăn cân bằng và giàu chất dinh dưỡng, bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, gia cầm và protein không béo.
Cần giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và chất béo xấu. Hạn chế lượng muối và đường trong khẩu phần ăn. Tránh tiêu thụ bia, rượu và các đồ uống có chứa cafein. Tránh thức ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn.
Hạn chế hút thuốc lá, hãy cố gắng từ bỏ hoàn toàn. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn gây nhồi máu cơ tim.
3. Vận động thể lực
Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn đem lại rất nhiều lợi ích khác. Vì thế các bác sĩ thường khuyến khích mọi nên dành thời gian vận động, luyện tập thể thao mỗi ngày. Việc tập thể dục thường xuyên là vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người, không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể mà còn rất hữu ích đối với sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch đã khẳng định tập thể dục có tác dụng mạnh mẽ như một loại thuốc bổ. Vì vậy, cần thực hiện các hoạt động thể dục thể thao đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần, bao gồm đi bộ, chạy bộ, bơi lội và aerobic. Hoặc điều chỉnh mức vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
4. Kiểm soát căng thẳng
Những căng thẳng trong cuộc sống lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc kéo dài quá lâu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cuối cùng sẽ có thể gây nên bệnh tật. Bởi căng thẳng, stress cũng là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Trên thực tế có những trường hợp đã bị đột quỵ khi gặp phải những cú sốc tâm lý quá lớn.
Căng thẳng và lo lắng quá mức chính là một trong những nguy cơ góp phần vào bệnh lý xơ vữa động mạch. Khi đối mặt với stress, những người có tâm lý vững vàng sẽ có thể vượt qua và nhanh chóng cân bằng cảm xúc, vui vẻ trở lại với cuộc sống hàng ngày. Vì vậy cần kiểm soát căng thẳng bằng cách thư giãn, yoga, thiền và tập thể dục nhẹ để quản lý căng thẳng hàng ngày.
5. Kiểm soát huyết áp và đường huyết
Điều chỉnh huyết áp và kiểm soát đường huyết nếu có bệnh tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Theo dõi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
6. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ vấn đề tim mạch nào và nhận sự chăm sóc y tế kịp thời.
Tóm lại: Nhồi máu cơ tim một là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa nhồi máu cơ tim nếu có biện pháp điều trị bệnh tim mạch hợp lý và biết cách chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây ra. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật trong lối sống lành mạnh. Luôn tìm kiếm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ và tư vấn đúng đắn nhất.
Nguồn: ST